Thuế đối với quỹ phúc lợi, quỹ tiền lương trong doanh nghiệp

Doanh nghiệp sử dụng quỹ phúc lợi, quỹ tiền lương thì phải chịu những khoản thuế gì? Số tiền thuế phải nộp là bao nhiêu?

Thứ nhất, về vấn đề thuế đối với quỹ phúc lợi

Việc thành lập quỹ phúc lợi không phải là bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp. Tùy đối tượng doanh nghiệp mà việc thành lập Quỹ phúc lợi, chi trả phúc lợi được quy định như sau:

– Công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ thực hiện trích lập Quỹ khen thưởng, phúc lợi theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 53/2016/NĐ-CP;

– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện trích Quỹ khen thưởng, phúc lợi theo Điểm c Khoản 3 Điều 31, Khoản 4 Điều 32 của Nghị định 91/2015/NĐ-CP.

– Doanh nghiệp không thuộc các trường hợp trên thì không bắt buộc thành lập quỹ phúc lợi, cũng không bắt buộc phải chi trả các khoản chi phúc lợi cho nhân viên.

Nếu doanh nghiệp có chi trả các khoản phúc lợi cho nhân viên (theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC) thì khoản chi này có thể không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Trường hợp tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần chi vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế.

Trong đó, 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng.

Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.

Do đó, nếu trường hợp của mình không thuộc trường hợp doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, doanh nghiệp nhà nước thì khoản chi phúc lợi cho người lao động sẽ được đưa làm chi phí được trừ nếu đáp ứng các điều kiện trên, còn ngược lại, nếu không đáp ứng điều kiện nêu trên thì doanh nghiệp phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi này.

Thứ hai, về vấn đề thuế đối với quỹ tiền lương:

Căn cứ theo quy định tại Điểm 2.6 Khoản 2 Điều 6 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì quỹ tiền lương thực hiện của doanh nghiệp là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).

Doanh nghiệp sẽ không được đưa khoản chi này vào danh mục các khoản chi được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đến hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế nhưng doanh nghiệp vẫn chưa chi các khoản tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.

Việc trích lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, doanh nghiệp không bị lỗ, nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không được trích đủ 17%.

Nguồn: thuvienphapluat.vn

Các bạn vừa xem xong bài viết: Thuế đối với quỹ phúc lợi, quỹ tiền lương trong doanh nghiệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.