Hiện nay, do dịch bệnh Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn, buộc lòng cho một số hoặc tất cả nhân viên ngừng việc và có trả tiền lương theo đúng quy định của pháp luật.
Nhiều người lao động ngừng việc quá nửa tháng nên quyết định không nhận tiền lương từ doanh nghiệp nhằm san sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thời gian này với mục tiêu chung là giúp doanh nghiệp sớm thoát khỏi khó khăn, nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm cho người lao động. Có như vậy, quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và nhân viên mới gắn kết lâu dài, hài hòa lợi ích đôi bên.
Mặc dù, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, người lao động tự nguyện đồng ý không nhận lương trong trường hợp này; song về mặt pháp lý vẫn bị coi là vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động 2012, quy định tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Rõ ràng, với quy định này sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn cho doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 nói riêng; khi xảy ra thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa nói chung; doanh nghiệp làm đúng luật sẽ có nguy cơ cạn kiệt tài chính, đi đến bờ vực phá sản.
Với sự bất cập của quy định nêu trên, Bộ luật lao động 2019 (bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021) đã có sự điều chỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn này cho người sử dụng lao động và người lao động.
Cụ thể, theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật lao động 2019, nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
– Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
– Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Điều này có nghĩa trong trường hợp khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn… mà người lao động phải ngừng việc quá 14 ngày thì từ ngày ngừng việc thứ 15 trở đi có quyền thỏa thuận không nhận lương để san sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Còn hơn 9 tháng nữa quy định mới này mới có hiệu lực thi hành; bởi vậy, hiện nay nhiều doanh nghiệp và người lao động đã “lách luật” bằng cách để người lao động viết đơn xin nghỉ việc không hưởng lương (chứ không phải ngừng việc theo đúng bản chất vấn đề) nhằm san sẻ khó khăn cho doanh nghiệp trong cơn dịch bệnh Covid-19.
Nguồn: thuvienphapluat.vn
Các bạn vừa xem xong bài viết: BLLĐ 2019 sẽ giải thế khó “tiền lương ngừng việc do Covid-19” cho doanh nghiệp